Nothing to lose

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Thung lũng sông Gâm



Sông Gâm hoang sơ mà dịu dàng tinh tế tạo nên một bức tranh non nước hữu tình, là nguồn cảm hứng của không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách.


Xuất phát từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), sông Gâm trải dài hàng trăm cây số qua địa phận các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang để nhập vào cánh cung sông Lô Việt Nam. Có thể nói, sông Gâm là một trong những dòng sông kỳ thú và sống động nhất của vùng núi Đông Bắc. Vượt qua bao ghềnh đá và núi đồi cheo leo, sông Gâm trở về hiền hoà nằm bên chân dãy núi Pác Tạ hùng vĩ. Đây là quần thể núi đá cao nhất huyện Na Hang với 99 ngọn núi tựa thế voi phục. Vị trí này được xem là nút thắt cuối cùng của sông Gâm trước khi về hội tụ với dòng sông Cả. Bốn bề bao bọc bởi đá núi, sông Gâm như một giếng trời lồng lộng, in bóng những cánh rừng trùng điệp trên mặt nước xanh trong. Một bức tranh thuỷ mặc như hiện ra trước mắt, thêm vài nét chấm phá của mây bay giăng kín đại ngàn. Xa xa, chiếc thuyền nhỏ êm đềm theo dòng nước mênh mang, cảm xúc như lắng đọng dần giữa không gian rộng lớn, cao vợi. Có đến nơi đây, con người mới cảm nhận được hết vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên, đất trời.


Cũng chính bởi địa thế thuận lợi, sông Gâm được tạo hoá ưu đãi ban cho sự trù phú với đa dạng các loại sản vật cá, tôm…Tương truyền rằng, dọc bờ sông đã từng hình thành hàng trăm làng chài, chỉ chuyên đánh bắt cá để tiến vua. Nổi tiếng nhất là làng chài Phúc Ninh với những thợ thuyền được mệnh danh là các “cư dân rái cá”. Sông Gâm là nơi sinh sống của vô số các loài cá quý, nào dầm xanh, anh vũ, cá hoả…Hằng năm, chúng thường tìm đến các vách đá, hang sâu dưới lòng sông để đẻ trứng. Ngày nay, nghề đánh bắt cá trên sông Gâm vẫn được duy trì. Cứ vào đầu mùa thu, hàng chục ghe thuyền lại sẵn sàng vó lưới cho một chuyến hành trình trên sóng nước. Ngoài đánh bắt cá, người dân nơi đây còn sinh sống bằng nghề chèo đò ven sông. Vào mùa du lịch, khách du lịch từ khắp mọi nơi đến tham quan thích thú việc ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ, vừa thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên vừa nghe người dân địa phương kể những tích xưa gắn liền với mảnh đất thiêng liêng này. 


Sông Gâm mang âm hưởng núi rừng là một món quà vô giá mà thiên nhiên đã dành tặng cho con người. Đến với sông Gâm, du khách như được hoà mình với đất trời và cảnh sắc tuyệt đẹp làm say đắm lòng người.   



Chợ nổi Cái Răng



Chợ nổi là một trong những nét đặc trưng của sông nước miền Tây Nam Bộ.


Nằm bên dòng sông Hậu hiền hoà, Cần Thơ là một trong những điểm thu hút khách du lịch không chỉ bởi vẻ đẹp thơ mộng mà còn nổi tiếng với những khu chợ nổi trên sông. Chợ nổi Cái Răng vốn là một cái tên đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Cái Răng được xem là đầu mối, nơi tập trung mua bán các loại trái cây, nông sản của cả vùng. 


Ngay từ tờ mờ sáng , trên bờ sông đã tấp nập xuồng ghe. Những chiếc thuyền đậu san sát nhau đến độ người từ thuyền này có thể bước dễ dàng sang thuyền bên cạnh. Những ghe lớn chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi khác còn thuyền nhỏ hầu như chỉ bán sản phẩm cho bà con trong vùng. Thương lái khắp nơi thường tìm đến đây vì Cái Răng có rất nhiều mặt hàng phong phú và tươi ngon. Trên mỗi chiếc thuyền, chủ thuyền sẽ treo loại trái cây muốn bán. Người mua chỉ cần nhìn sản phẩm được treo cao ngay đầu mũi thuyền là có thể biết được sản vật mình muốn mà chủ ghe cũng không cần chào hàng. Tuy vậy, cảnh rao bán trên chợ không phải vì thế mà bớt nhộn nhịp. Tiếng nói chuyện, trao đổi bán mua lẫn trong tiếng máy nổ làm huyên náo cả một vùng. Khách du lịch đến Cái Răng đều bị hấp dẫn bởi quang cảnh rộn ràng, tươi vui của một trong những khu chợ nổi sầm uất nhất đồng bằng sông Cửu Long.


Người dân miền Tây quanh năm lênh đênh trên sông nước nên ngoài nông sản, chợ Cái Răng còn hình thành nhiều dịch vụ khác để phục vụ bà con nơi đây. Mô hình kinh doanh ăn uống, các mặt hàng nhu yếu phẩm ngày càng phát triển. Một tô hủ tiếu nóng, một bát phở còn nghi ngút khói…được phục vụ ngay trên xuồng. Du khách đến Cái Răng không chỉ được hoà mình vào nhịp sống sôi động của chợ nổi mà còn có thể thưởng thức các món ăn bình dân nhưng không kém phần ngon miệng. Các cô bán hàng duyên dáng trên những chiếc xuồng di động lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười trên môi, đon đả mời chào khách. Hoặc nếu không, các hàng quán dựng lên dọc bờ sông chuyên phục vụ những món đặc sản nổi tiếng miền Tây cũng sẽ không làm cho du khách phải thất vọng.


Nếu một lần đến với Cần Thơ, bạn đừng quên về thăm chợ nổi Cái Răng, nét độc đáo mang đậm chất Nam Bộ.

Hoang sơ Bãi Đá Nhảy



Đá Nhảy là một trong những bãi tắm độc đáo và hoang sơ nhất của miền duyên hải Bắc Trung Bộ.


Nằm ngay dưới chân đèo Lý Hoà, cách thành phố Đồng Hới khoảng 25km, bãi Đá Nhảy là một trong những danh thắng nổi tiếng của đất Quảng Bình. 


Đá Nhảy không chỉ là một bãi tắm lý tưởng mà còn sở hữu những quần thể núi đá ấn tượng. Dọc theo bờ biển, những bãi đá với nhiều hình thù kỳ quái nằm chen chúc tạo nên một cảnh quan vô cùng độc đáo. Các cột đá cao thấp khác nhau đứng sững sững giữa muôn trùng khơi. Những ghềnh đá lô nhô bị sóng biển bào mòn qua năm tháng, mang trăm nghìn dáng vẻ và hình thù sống động như được đẽo gọt bởi bàn tay của người thợ tài hoa. Du khách đến tắm biển thích thú leo lên những tảng đá cao, ngắm nhìn sắc nước lung linh dưới ánh mặt trời. Được thiên nhiên ưu đãi, Đá Nhảy hấp dẫn du khách bởi bãi tắm tuyệt đẹp với bờ cát dài hút mắt ôm lấy biển xanh thăm thẳm. Sóng biển nhấp nhô ngoài xa, xô vào bến bờ từng con sóng bạc đầu. Du khách như thả hồn mình vào mây trời lồng lộng, lắng nghe tiếng sóng rì rào trong gió nhẹ. Đá Nhảy là sự kết hợp hài hoà giữa vẻ đẹp hoang sơ của đá núi và nét dịu dàng thơ mộng của không gian bao la, dạt dào sóng nước.


Vào những ngày đẹp trời, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của bình minh trên biển mà còn có cơ hội tham gia vào rất nhiều hoạt động giải trí khác. Xung quanh Đá Nhảy có vô số các hang động kỳ thú. Du khách có thể tham gia vào các chuyến du ngoạn, khám phá những động đá khổng lồ hay đi leo núi, bơi thuyền ra các bãi san hô. Với địa thế và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đá Nhảy là nơi cư trú của hàng trăm loài hải sản như tôm, cua, cá…Sau chuyến tham quan, du khách còn được thưởng thức nhiều món đặc sản chế biến từ chính sản vật địa phương. Trong đó, nổi bật nhất là đẻn biển, một món ngon nổi tiếng của người dân nơi đây.


Nếu có dịp ghé đến Quảng Bình, du khách đừng quên dừng chân bên bãi Đá Nhảy để tận hưởng khoái cảm được nhâm nhi đẻn ram giữa biển chiều lồng lộng.

Độc đáo chợ Lùng Khấu Nhin



Lùng Khấu Nhin là một trong những xã vùng cao thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là nơi cư trú của các dân tộc Nùng, Dao, H’Mông…Đến với Lùng Khấu Nhin, du khách sẽ có cơ hội khám phá nét độc đáo và quyến rũ của những phiên chợ vùng cao.


Chợ phiên Lùng Khấu Nhin là một trong những phiên chợ cổ nổi tiếng, đặc trưng cho các phiên chợ Tây Bắc. Du khách đến đây có thể cảm nhận được nền văn hoá đa màu sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi. Nổi bật giữa không khí nhộn nhịp, tươi vui của phiên chợ là những trang phục thổ cẩm sặc sỡ, đa dạng giữa các nhóm. 


Trang phục truyền thống của người Nùng khá đơn giản, làm bằng chất liệu vải thô và thường không có hoạ tiết trang trí. Trái lại, phục trang của người Dao có nhiều màu sắc và đa dạng hơn. Trên trang phục có in nhiều hoa văn trang trí như hoa lá, động vật, chim muông…Người Dao thường dùng sáp ong để in hoa tiết lên vải, sau đó mới nhuộm màu lên trang phục. Phụ nữ Dao ăn mặc khá cầu kì gồm yếm, váy và quần. Trong khi đó, người H’Mông trồng lanh nên thường dệt vải lanh và thêu hoa văn lên trang phục của mình. Áo của người H’Mông rất độc đáo với kiểu xẻ ngực và nhiều mảnh vải màu ghép lại với nhau. Những chiếc váy thổ cẩm đầy hoạ tiết rực rỡ dưới ánh nắng mang những nét đặc trưng cho mỗi nhóm dân tộc là một trong những điểm độc đáo của những phiên chợ vùng cao. 


Chợ phiên chỉ họp vào một ngày nhất định trong tuần. Chính vì vậy, khung cảnh lúc nào cũng tấp nập, rộn ràng tiếng nói cười giòn giã…Khắp các ngõ chợ đều bày bán la liệt rau, củ, quả, vải vóc, vật dụng sinh hoạt…Ở đâu cũng thấy nhộn nhịp cảnh bán buôn. Xung quanh là những dãy hàng quán thực phẩm, đồ ăn. Du khách có thể thưởng thức nhiều món ăn độc đáo ở chợ Lùng Khấu Nhin như bánh đúc, thắng cố, mèn mén, chè, rượu cất… Đây cũng là dịp để người ta trao đổi và tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống. Các sản phẩm thủ công nối bật và được nhiều người ưa chuộng như đồ đan lát, mây tre, đồ trang sức, vòng cổ, vòng bạc, đồ đồng, giấy dó, giấy bản, ngói âm dương…Các sản phẩm này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Bà con làm nghề thủ công vào những ngày nông nhàn bên cạnh công việc đồng áng. Người dân nơi đây vẫn sinh sống nhờ vào chăn nuôi và trồng cây lương thực là chính. Những ngày chợ phiên cũng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ của người dân tộc thiểu số ở Lào Cai như chơi khèn lá, hát giao duyên, đánh đu, kéo co…


Chợ phiên Lùng Khấu Nhin là một bức tranh đa sắc màu, mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số vùng núi Bắc Bộ.

Mộng mơ chiều vọng cảnh



Huế là cái tên in sâu trong lòng du khách không chỉ bởi vẻ đẹp cổ kính trầm mặc mà còn ở điệu buồn man mác trong từng đường nét.


Người ta nghĩ đến Huế với sông Hương, núi Ngự nhưng ít ai biết đến Vọng Cảnh, một trong những bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc, đặc trưng cho vẻ đẹp nên thơ của đất cố đô.
Nằm cách Ngự Bình không xa, đồi Vọng Cảnh dịu dàng nghiêng mình soi bóng trên dòng sông Hương thơ mộng. Đồi chỉ cao tầm 40m nhưng đứng trên đỉnh đồi, có thể nhìn ra toàn cảnh một vùng không gian bát ngát với mây trời và sóng nước. Xung quanh đồi là những gò đống nối tiếp nhau, nhìn từ xa trông như những chiếc chén úp xếp thẳng hàng. Ngay giữa lưng chừng đồi là những bụi cây mọc san sát, còn nghe rõ tiếng gió thổi vi vu qua những tán lá xanh. Xưa kia, khắp đồi Vọng Cảnh đâu đâu cũng thấy thông xanh thẳng tắp lự. Trải qua bao biến động lịch sử, những hàng thông thưa thớt dần. Thay vào đó là các cao điểm được dựng lên trong thời gian chiến tranh. Giờ đây, dạo quanh đồi vẫn còn thấy dấu tích của những lô cốt quân sự như để nhắc nhớ về một thời kỳ hào hùng của dân tộc. 


Bên dưới chân đồi, dòng Hương Giang vẫn êm đềm con sóng biếc. Vào những buổi chiều, ánh tà dương trải những vệt dài loang loáng trên mặt sông. Ngồi trên sườn đồi trông ra xa, con đò nhỏ lặng lẽ khua mái chèo tạo nên một bức tranh non nước hữu tình đầy thơ mộng. Cuối chân trời, sắc tím hoàng hôn như tô điểm thêm cho bức hoạ một điệu buồn man mác. Đứng trên Vọng Cảnh, toàn bộ Huế mơ như thu vào trong tầm mắt. Từ trên đồi có thể quan sát được nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố Huế. Ngay bên kia sông Hương là điện Hòn Chén, nơi gắn liền với nhiều giai thoại hấp dẫn. Cách đồi chỉ khoảng vài ba trăm mét là đền thờ, lăng tẩm nguy nga của các vua chúa Nguyễn. Xa xa, bóng thấp thoáng của những mái chùa cổ kính còn ẩn hiện giữa rừng cây mướt xanh. Chút đỏ vàng của những chùm hoa trang như điểm thêm cho cảnh sắc thiên nhiên đầy chất thơ. Huế vốn dĩ đã mang trong mình một nét trầm mặc mà không nơi nào có được.    


Có thể nói, đồi Vọng Cảnh là một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, chốn dừng chân để tìm vể với không gian thiên nhiên rộng lớn. Vọng Cảnh, cái tên mang nhiều ý nghĩa đã nói lên biết bao tâm tình của người dân xứ Huế. Đồi Vọng Cảnh, nơi khơi nguồn cảm hứng cho những tác phẩm thi ca và nghệ thuật.



Khám phá động Ngườm Ngao



Ngườm Ngao là một trong những động đá vôi lớn và đẹp nhất ở Cao Bằng.


Cao Bằng là một địa danh nổi tiếng với rất nhiều thác nước, hang động kì vĩ. Nhắc đến Cao Bằng, người ta nghĩ ngay đến thác Bản Giốc, hang Pác Bó, suối Lê-nin…Bên cạnh đó, một công trình kiến trúc tự nhiên lộng lẫy thu hút không ít du khách trong và ngoài nước là động Ngườm Ngao.
Động Ngườm Ngao thuộc địa phận huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 3km. Người dân nơi đây thường gọi là “hang cọp” vì trong tiếng Tày, “Ngao” có nghĩa là hổ. Theo truyền thuyết kể lại, Ngườm Ngao vốn là nơi thiên đình cất giấu kho báu và sai vua hổ đến canh giữ. Cho đến nay, Ngườm Ngao vẫn được xem là nơi huyền bí và linh thiêng nhất của núi rừng nơi đây.


Ngườm Ngao đã có từ rất lâu. Động được hình thành từ núi đá vôi cách đây khoảng mấy trăm triệu năm. Trải qua thời gian, nước mưa ngấm sâu vào lòng đất tạo nên những mạch nước ngầm bào mòn núi đá. Đá vôi bị phong hoá lâu dần thành những dải thạch nhũ với vô số hình dạng và màu sắc. Lạc chân xuống Ngườm Ngao, du khách như bước vào một thế giới khác, hoàn toàn bị choáng ngợp trước vẻ đẹp kỳ ảo bên trong động. Từ trên những vòm đá cao, các măng thạch nhũ lớp lớp chồng lên nhau mang đủ kiểu dáng: hình thú, hình người, chim muông, hoa lá…Điểm đặc biệt của động Ngườm Ngao là một khe hở thông lên trời. Du khách vào động không khỏi thán phục vẻ đẹp lộng lẫy của các khối nhũ đá bảy màu, hiện lên lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời.


Phía dưới động còn có một con suối nhỏ trong vắt. Khách tham quan có thể ngồi trên thuyền xuôi theo dòng tiến sâu vào bên trong. Tiếng róc rách của nước luồn qua những khe đá tạo nên âm thanh hết sức trong trẻo, càng làm cho không khí trong động thêm huyền bí. Ngườm Ngao tựa như một mê cung khổng lồ, đầy ảo diệu mà quyến rũ lạ kỳ.


Những năm gần đây, Ngườm Ngao đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn rất nhiều du khách nước ngoài, những người muốn khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của kỳ quan thiên nhiên dưới lòng đất.     


Mộng mơ Bãi Lữ



Nghệ An là một trong những điểm du lịch thú vi với rất nhiều khu du lịch sinh thái và bãi tắm đẹp. Trong đó, Bãi Lữ được mệnh danh là thiên đường của biển.


Nằm trong địa phận Nghệ An, cách Cửa Lò khoảng 20km, Bãi Lữ là một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Ở hầu hết các tỉnh thuộc khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ, đường bờ biển khúc khuỷa ăn sâu vào đất liền tạo thành những bãi cát dài tuyệt đẹp. Được tạo hoá ban tặng, Bãi Lữ sở hữu bãi tắm hoàn hảo với dải cát dài miên man và làn nước xanh trong mát. Chính vì vậy, Bãi Lữ là nơi dừng chân lý tưởng của không ít du khách trong những ngày hè oi bức. Đến đây, nằm trên bãi cát mịn nghe tiếng sóng vỗ bờ, du khách có thể thả hồn mình vào không gian bao la của mây trời cao rộng và thoả sức nô đùa trong sóng nước dạt dào. Nhìn ra xa, những cánh rừng thông bạt ngàn đu mình theo gió biển lồng lộng. Du khách đến đây như lạc vào chốn thiên đường đầy thơ mộng. Chiều tà, biển còn in sắc hồng của bóng nắng, phản chiếu những vệt màu lấp lánh nhấp nhô theo từng con sóng. 


Sát cạnh biển là ngọn núi Mộ Dạ sừng sững, nơi vẫn còn lưu truyền những huyền thoại về sự tích vua An Dương Vương, chuyện tình giữa nàng Mỵ Châu, Trọng Thuỷ…Cũng ngay lưng chừng núi là di tích đền Cuông nổi tiếng. Đền Cuông là một trong những danh thắng độc đáo, kết hợp giữa nét cổ kính của công trình kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên khoáng đạt. Vào mỗi dịp lễ hội, đền Cuông đón hàng ngàn lượt du khách đến thắp hương và tham dự nhiều hoạt động văn hoá đa dạng như lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông cùng các trò chơi đặc sắc khác: chọi gà, cờ người đánh đu…


Với những điểm tham quan hấp dẫn như vậy, Bãi Lữ ngày càng được nhiều du khách biết đến như một khu du lịch với đầy đủ các loại hình: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…Nếu chưa đặt chân đến Bãi Lữ, bạn có thể thử một chuyến du ngoạn hè đến đây để có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của danh thắng này.

Về thăm miệt vườn Long Khánh



Long Khánh là một trong những vựa trái cây nổi tiếng nhất ở Nam Bộ. Du lịch miệt vườn những ngày hè cũng là một trong những hình thức hấp dẫn nhiều khách tham quan du lịch.


Cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, khoảng 80 km theo quốc lộ 1A về phía Bắc, du khách sẽ đến Long Khánh thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu nhiệt đới thích hợp với nhiều loại cây ăn trái, miệt vườn Long Khánh là nơi hội tụ của những sản vật ngọt ngào từ lòng đất. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn quả. Đến với Long Khánh, bạn không khỏi ngỡ ngàng bởi những rừng trái cây trĩu quả che kín lối đi. Ở Long Khánh đã hình thành cả thương hiệu trái cây nổi tiếng “chôm chôm Long Khánh”, “sầu riêng Long Khánh”…Đâu đâu cũng bắt gặp không khí nhộn nhịp của các chợ trái cây. Khách phương xa thường dừng chân tại đây để mua trái cây về làm quà. Tầm tháng tư, tháng năm cũng là lúc Long Khánh vào mùa. Trong những miệt vườn rợp tán lá, hương thơm ngạt ngào của những trái chín cây đang chờ thu hoạch luôn hấp dẫn khách du lịch. Những chùm quả tươi ngon trĩu cành là kết quả của người dân sau một năm lao động cần cù. Du khách có thể ngắm nhìn đủ mọi sắc màu của các loại cây ăn trái: những chùm chôm chôm đỏ rực, từng chùm dâu vàng tươi lúc lắc trên cành, bưởi da xanh căng mọng nước…Chỉ nhìn thôi cũng đủ khiến bạn no mắt. 


Vào mùa, ngoài việc thu hoạch quả, người dân nơi đây còn mở của cho khách du lịch vào tham quan và thưởng thức các loại trái cây có trong vườn. Đây chính là điểm đặc biệt ở Long Khánh cũng như các vựa trái cây khác ở Nam Bộ. Khách vào thăm vườn được tự tay hái trái cây và ăn tại chỗ. Khách có thể ăn bao nhiêu tuỳ thích. Sau khi tham quan vườn, khách có thể nghỉ dưới những chòi mái lá râm mát hoặc nằm nghỉ ngơi trên những chiếc võng được treo trong vườn. Dịch vụ độc đáo này thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Du lịch miệt vườn trong những năm gần đây rất phát triển, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Hình thức du lịch sinh thái này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn giúp người dân Nam Bộ giới thiệu với du khách về vẻ đẹp trù phú của miền sông nước Cửu Long. Miệt vườn Long Khánh mở hầu như quanh năm. Mùa nào thức ấy, du khách có thể thưởng thức đa dạng trái cây của vùng khí hậu nhiệt đới: chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, thanh long, mít, nhãn…Trái cây tại vườn vừa phong phú vừa tươi ngon.




Hiện nay, người dân địa phương đang phát triển thêm mô hình du lịch miệt vườn. Bên cạnh việc tham qua các vựa trái cây, du khách còn được tham gia vào nhiều hoạt động hấp dẫn khác như tìm hiểu quy trình trồng cây, đi xuồng ghe thăm chợ nổi trên sông, thưởng thức những đặc sản địa phương khác…Trong thời gian tới, du lịch miệt vườn sẽ còn phát triển hơn nữa và trở thành điểm dừng chân quen thuộc của khách du lịch.

Chút nắng Khe Hai



Quảng Ngãi nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ với rất nhiều bãi biển nổi tiếng. Một trong số đó là bãi biển hiền hoà với cái tên nghe thật giản dị - biển Khe Hai.


Khe Hai không phải là một cái tên quá nổi bật nhưng đối với dân phượt biển, chắc chắn đã một lần nghe nhắc đến vùng biển xinh đẹp này. Thuộc địa phận của tỉnh Quảng Ngãi, cách quốc lộ 1A khoảng 3km về phía đông, Khe Hai dịu dàng khoác lên mình một vẻ đẹp hoang sơ mà trầm lắng. Nằm khuất sau dãy núi Bàn Than, biển Khe Hai như một tấm lụa dài nối liền những đồng muối trắng và bờ cát vàng. Đứng trên biển nhìn ra xung quanh, chỉ thấy non nước mây trời làm thành một dải. Bốn bề là những vách đá dựng đứng bao bọc lấy Khe Hai, tưởng chừng bãi biển chỉ nằm yên bình ngủ vùi một giấc dài. Nhiều người yêu thích Khe Hai chính bởi nét dịu dàng và thanh vắng của nó. Nếu phía Tây là dãy Bàn Than hùng vĩ với vô số mỏm đá đủ mọi hình thù nằm chen chúc nhau thì Khe Hai lại khuất mình tư lự với biển xanh lặng gió. Có lẽ vì vậy mà đến với Khe Hai, người ta có cảm giác như đang lạc vào một cõi riêng chỉ có tiếng rì rầm của sóng biển ru êm. Được thiên nhiên ưu đãi, Khe Hai nằm trải mình với bờ cát trắng miên man đến tận mũi Năm Trâm. Những ngày đẹp trời, biển phơi mình dưới ánh nắng vàng rực rỡ, còn thấy rõ dấu chân in trên cát mịn. Bãi cát rộng thoai thoải, sóng chưa kịp vào đến bờ đã vội trườn ra khơi xa. Du khách đến Khe Hai không chỉ tận hưởng không khí trong lành bên bờ biển mà còn có thể vùng vẫy thoả thích trong làn nước xanh trong. Có thể nói, Khe Hai thật sự là một bãi tắm lý tưởng đối với khách du lịch trong và ngoài nước. 


Cũng như nhiều vùng biển khác, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Biển Khe Hai cũng có một nguồn sản vật vô cùng phong phú với nhiều loài tôm, cua, cá…Không giống các vùng biển du lịch nổi tiếng khác như Vũng Tàu, Nha Trang với rất nhiều khu nghỉ mát xung quanh, Khe Hai vẫn còn giữ được một vẻ hoang sơ mộc mạc. Cuộc sống của người dân nơi đây chỉ bình dị trong công việc lao động hằng ngày. Nếu có dịp dừng chân ở Khe Hai vào một buổi bình minh, bạn mới cảm nhận được nhịp sống dung dị, chân chất của người dân biển lam lũ. 


Ngoài ra, khi đến Hai Khe, bạn còn có cơ hội được thưởng thức một đặc sản hết sức độc đáo của người dân miền Trung, món nhông nướng. Nhông là loài bò sát sinh sống rất nhiều ở các vùng đất cát ven biển. Thịt nhông thơm, ngọt có thể chế biến rất nhiều món như gỏi nhông, cháo nhông…nhưng ngon nhất và là thịt nhông nướng. Một chuyến du lịch đến Hai Khe, lùng sục nhông trên những bãi cát đầy nắng gió thì không gì thú vị bằng!

Linh Ứng Tự, chốn tịnh tâm



Linh Ứng Tự là một trong những ngôi chùa đẹp nhất của thành phố Đà Nẵng, nơi bạn có thể tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn giữa cuộc sống bộn bề.


Chùa Linh Ứng nằm trong khu Bãi Bụt, thuộc bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, còn có tên gọi khác là chùa Ngoài. Toàn bộ khuôn viên chùa có diện tích khoảng 20 héc ta, toạ lạc trên một ngọn núi cao 693m so với mực nước biển. Bạn phải leo hết những bậc đá dài 10km mới có thể lên được chùa. Phía trước chùa là một khoảng sân rộng được lát bằng đá. Ngay chính diện là tượng Phật Quan Thế Âm “độc nhất vô nhị” cao 67m, bên dưới là một đài sen có đường kính 35m. Đây được xem là bức tượng Phật cao nhất Việt Nam hiện nay. Điểm đặc biệt của bức tượng Phật này là bên trong có 7 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ với nhiều bức tượng Phật khác nhau. Khu viên bên ngoài là hai hàng tượng 18 vị La Hán. Mỗi bức tượng đều có dáng vẻ, tư thế khác nhau càng làm cho không gian chùa thêm trang nghiêm, trầm mặc. Từ trên cao, chùa như tách biệt hẳn với cõi thế tục, bốn bề xung quanh chỉ thấy núi non bạt ngàn. Đứng đây, con người như lạc vào cõi thiên thai, thoát tục, chợt thấy lòng mình thanh thản lạ kỳ. Hoàng hôn, khi những tia nắng cuối cùng của ngày dần tắt, ngôi chùa như chìm vào không gian rộng lớn của đất trời trong khung cảnh trầm mịch, tĩnh lặng. Nằm ở lưng chừng núi, chùa Linh Ứng như đang trôi bồng bềnh giữa mây chiều, thoắt ẩn thoắt hiện nơi chân trời. Chính vị trí và không gian có một không hai này càng làm cho ngôi chùa mang nhiều màu sắc tâm linh.


Chùa Linh Ứng được biết đến như một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất ở nước ta.
Kiến trúc chùa Linh Ứng mang đậm phong cách truyền thống. Đó là những mái ngói uốn lượn quen thuộc thường thấy ở nhiều chùa Việt Nam, những hoa văn rồng được chạm trổ hết sức công phu. Những trụ cột trong Chính điện đều được khắc hoạ tiết tinh xảo. Toàn bộ ngôi chùa là một quần thể kiến trúc cực kỳ đồ sộ. Du khách đến đây đều không khỏi thán phục bởi quy mô bề thế của chùa Linh Ứng. Ở các Giảng đường, Tăng đường và trong khu Chính điện đều trang trí nhiều bức tranh Phật lộng lẫy, nơi du khách có thể tìm hiểu về Phật đạo cũng như những giáo lý nhà Phật. Tất cả đều toát lên vẻ trang nghiêm, cổ kính. Bất kỳ ai đến đây cũng đều cảm nhận được sự linh thiêng và không khí đậm màu thiền. Bạn có thể tìm được cảm giác thư thái, tịnh tâm giữa đất trời bao la. 


Chùa Linh Ứng là một trong những điạ chỉ tham quan được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đà Nẵng. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn nơi lý tưởng cho bạn trải nghiệm cảm xúc.

Về thăm nhà cổ Hội An



Hội An được biết đến với các khu phố cổ lâu đời. Du khách đến Hội An không chỉ có cơ hội tham quan những công trình kiến trúc độc đáo mà còn được tìm hiểu nền văn hoá truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.


Vào thế kỷ thứ 9,10, Hội An được biết đến với tên gọi Lâm Ấp Phố, là một trong những thương cảng phát triển nhất khu vực Đông Nam Á bấy giờ. Rất nhiều thuyền buôn từ các nước Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc đã cập bến Lâm Ấp. Đến thế kỷ 19, nhờ vào vị trí đường biển thuận lợi, Hội An đã đạt được sự hưng thịnh bậc nhất của một cảng thị sầm uất. Thời kỳ này là giai đoạn phát triển rực rỡ của nền kinh tế ở xứ Đàng Trong, dưới thời các chúa Nguyễn. Cho đến nay, Hội An vẫn còn lưu giữ những quần thể kiến trúc cổ xưa vô cùng đặc sắc.


Những ngôi nhà cổ Hội An là sự kết hợp hài hoà, giao thoa qua lại giữa các nền kiến trúc của nhiều quốc gia. Chính bởi nguồn gốc là một phố cảng, Hội An đã tiếp thu đa dạng nền văn hoá các nước, hình thành nên những phong cách nghệ thuật ấn tượng. Đến với Hội An, du khách dễ dàng nhận thấy những mái nhà nhỏ xinh nằm san sát nhau dọc các dãy phố hẹp. Nhà ở Hội An thường có dạng hình ống, cao từ 4m đến 8m, chiều sâu khoảng 10m đến 40m. Cấu trúc của một ngôi nhà được chia thành từng phần rất rõ ràng. Phía trước là hiên nhà, tiếp đến là gian nhà chính, nhà phụ, sân trong và vườn sau. Truyền thống lâu đời trong những nếp nhà xưa vẫn được người dân gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay. Trong nhà phải có ba không gian riêng biệt, trong đó không gian thờ cúng phải tách bạch với không gian buôn bán và không gian sinh hoạt. Khu vực hiên sau nhà phải đảm bảo đón được ánh sáng mặt trời, như quan niệm của người xưa để hoà hợp đất trời và phong thuỷ. Phía trên là lớp mái hình máng đều có hệ thống cột gỗ chống đỡ với những hoa văn được chạm khắc cầu kỳ bởi bàn tay của những nghệ nhân tài hoa. Rất nhiều những ngôi nhà cổ có lịch sử trên mấy trăm năm, phong cách và kiểu bài trí nội thất vẫn còn mang dáng dấp của bản sắc Á Đông thuần tuý. Trong nhà treo nhiều hoành phi, câu đối, bàn nghế đều được làm bằng chất liệu gỗ xưa rất có giá trị và tính thẩm mỹ cao. Không ít ngôi nhà còn chịu ảnh hưởng của kiến trúc đền đài với mái ngói âm dương, được chạm trổ rồng phượng vô cùng tinh tế.


Một điểm hết sức đặc biệt khác hấp dẫn nhiều du khách là những con phố nhỏ hẹp uốn lượn ngoằn nghèo bên bờ sông Hoài tạo thành hình bàn cờ độc đáo. Dưới ánh chiều tà, những ngôi nhà nhỏ in bóng mình trên mặt nước xanh trong tựa như tranh vẽ. Du khách có thể đi thuyền dọc bờ sông, ngắm nhìn những mái nhà đượm màu rêu phong, ngủ yên trong không gian yên bình trầm mặc. 


Hội An tự hào là một trong những địa danh vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn vẻ đẹp thời gian qua bao biến động lịch sử. Hội An là sự kết tinh của giá trị nghệ thuật độc đáo và lối kiến trúc pha trộn giữa nhiều nền văn hoá. Phải đặt chân đến Hội An, du khách mới cảm nhận được hết nét xưa mộc mạc giữa sự thay đổi từng ngày của cuộc sống hiện đại .   



Hoang sơ Hòn Kẽm Đá Dừng



Đà Nẵng là cái tên quen thuộc trong sổ tay du lịch của nhiều du khách thập phương. Nhắc đến Đà Nẵng, người ta không chỉ biết đến một thành phố xinh đẹp với biển xanh nắng vàng mà còn là nơi hội tụ của nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.


Một trong những địa danh đặc sắc vào bậc nhất tại Đà Nẵng là Hòn Kẽm Đá Dừng. Nằm ở vị trí đắc địa, sức hấp dẫn của Hòn Kẽm Đá Dừng nằm ở sự kết hợp hài hoà của phong cảnh non nước hữu tình và nét độc đáo hoang sơ của những vách đá sừng sững. Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 100km về hướng Tây, Hòn Kẽm là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Quế Sơn và Hiệp Đức thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi ẩn mình bên dòng Thu Bồn dào dạt sóng.


Xuôi theo con đò nhỏ, bắt đầu chuyến hành trình khám phá Hòn Kẽm Đá Dừng, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp đằm thắm của bức tranh thuỷ mặc nơi đây. Sáng sớm, khi những tia nắng tinh mơ bắt đầu soi rọi, mặt nước phản chiếu sắc trắng óng ánh, tan dần trong những gợn sóng lăn tăn. Ngày mới lại bắt đầu với vó lưới, thuyền ghe. Nghề chài lưới đã xuất hiện ở đây ngay từ thuở khai thiên lập địa. Người dân vạn đò gắn đời mình trên sông nước tự bao năm, lam lũ mưu sinh trên những bến thuyền. Một ngày bập bềnh trên sóng nước, du khách mới cảm nhận được hết cái khung cảnh bình dị đơn sơ của một làng chài lưới ven sông. Hoàng hôn, khi từng vạt nắng chiều trải dài trên những vách đá hùng vĩ cũng là lúc Hòn Kẽm phô bày vẻ quyến rũ kì diệu của nó. Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại gắn cái tên “Đá Dừng” vào trong “Hòn Kẽm Đá Dừng”. Bốn bề là những dãy núi kì vĩ, du khách đi thuyền qua đây có cảm giác như lạc vào một cõi hoang sơ giữa mênh mông đất trời. Con sông Thu Bồn uốn mình qua những ngọn núi, bất chợt khựng lại bên Hòn Kẽm Đá Dừng. Những dãy núi như bức tường thành che khuất tầm nhìn khiến cho Hòn Kẽm tách biệt với không gian bên ngoài. Hòn Kẽm nhờ đó mang một vẻ kì bí trầm mặc. Phía sau vách đá, chỉ thấy lác đác vài mái nhà và những nương dâu thu mình trong sắc chiều tà. Vào những đêm sáng trăng, bỏ xa cuộc sống hiện thực, Hòn Kẽm khoác một vẻ cô liêu tĩnh lặng. Du khách tưởng như đang chìm vào không gian vô cùng tận của miền sơn cước. Đến với Hòn Kẽm Đá Dừng, lòng người chợt thấy thanh thản và yên bình.


Hòn Kẽm không chỉ được biết đến như một danh lam kỳ thú mà còn là nơi lưu giữ biết bao dấu tích của vùng thánh địa ban sơ. Trên những tảng đá nhô ra ở rìa vách núi, dòng chữ cổ của nền văn hoá Sa Huỳnh – Champa xưa vẫn còn chưa phai mờ. Người dân thường đặt đồ cúng tế trên các phiến đá để tỏ lòng thành kính và mong muốn được thần linh bảo vệ cho cuộc sống nơi đây. Hòn Kẽm luôn chất chứa hoài niệm về một thời xa vắng như thế đó.  


Trải qua bao thăng trầm của thời gian, Hòn Kẽm Đá Dừng vẫn còn nguyên nét mộc mạc vốn có, nơi cuộc sống của con người đã hoà cùng dòng chảy Thu Bồn hiền hoà. Du khách đến Hòn Kẽm Đá Dừng không quên giữ lại cho mình những lắng đọng cảm xúc với một vùng non nước bình dị và hoang sơ.
 

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Muôn màu phố Sài Gòn



Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến là một trong những trung tâm kinh tế sôi động nhất Việt Nam. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn khách du lịch không chỉ ở sự trẻ trung năng động vốn có mà còn bởi nét độc đáo của một đô thị đa sắc màu.


Nếu Hà Nội có 36 phố phường nổi tiếng thì Sài Gòn cũng có rất nhiều khu phố kinh doanh da dạng các mặt hàng. Mỗi con phố thường chỉ tập trung các cửa hiệu buôn bán hàng hoá giống nhau. Hôm nay mời bạn dạo quanh phố phường Sài Gòn.

1.      Phố ẩm thực Bến Thành
Được mệnh danh là xứ sở vàng của ẩm thực Việt Nam, Sài Gòn là nơi quy tụ của nhiều nền văn hoá ẩm thực đặc sắc. Một trong những địa danh không thể bỏ qua khi đến Sài Gòn là khu ẩm thực đêm Nguyễn Huệ - Hải Triều ngay gần chợ Bến Thành. Đây là nơi tập trung các tiệm phở, bún, miến, xôi gà…mang hương vị cả hai miền Nam – Bắc. Bắt đầu từ 8 giờ tối, các hàng quán đã chật ních khách đến ăn. Càng về khuya, phố càng nhộn nhịp. 


1.      Phố Miên Sài Gòn
Đến Sài Gòn, du khách còn được thăm cả những khu chợ Campuchia lâu đời nhất ngay giữa lòng thành phố. Với cái tên “phố Miên Sài Gòn”, đường Hồ Thị Kỷ - quận 10 là nơi tập trung buôn bán các loại hàng hoá, thực phẩm đặc trưng của Campuchia. Dọc con phố là các quán xá nằm san sát nhau, bày la liệt đặc sản cá khô Biển Hồ, đường thốt nốt. Khu chợ còn là thiên đường của ẩm thực Campuchia với đa dạng các món ăn độc đáo: bún num bo-chóc (bún mắm bò-hốc), chè num-à-pơi, lá sầu đâu…


1.      Phố Đông y
Được mệnh danh là phố Đông y, khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông – quận 5 là nơi tập trung rất nhiều tiệm bán thuốc Bắc, Nam…Đây cũng là phố người Hoa đông nhất ở Sài Gòn. Người ta có thể tìm thấy đủ các loại thuốc Đông y từ cao, đơn, hoàn, tán…cho đến các loại dược thảo. Dạo phố Đông y buổi đêm cũng rất thú vị. Cả khu phố rực đỏ trong ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng Trung Hoa truyền thống.


1.      Phố ẩm thực Nhật
Nếu muốn thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Nhật, đường Lê Thánh Tôn – quận 1 chính là một trong những địa chỉ được biết đến nhiều nhất. Đây là nơi quy tụ của rất nhiều tiệm ăn lớn nhỏ theo đúng phong cách của xứ sở hoa anh đào. Bạn có thể tìm thấy những nhà hàng được thiết kế theo lối kiến trúc truyền thống của Nhật hay những quán bar sang trọng và hiện đại. 


Có thể nói, Sài Gòn như một bức tranh đa sắc màu, là nơi hội tụ của đa dạng các nền văn hoá vùng miền.
    

 

Một chiều dạo phố mùa sấu rụng



Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến những góc phố cổ, những con đường lãng đãng hoa rơi…Ai đã một lần đến đây đều không khỏi nhớ nhung, xao xuyến. Hà Nội vốn mang trong mình một vẻ u buồn hoài cổ, làm vương vấn biết bao tâm hồn nghệ sĩ.


Thật kì lạ, dù ở góc độ nào, Hà Nội cũng đều gợi lên một vẻ ưu tư pha lẫn chút buồn man mác. Một chiều dạo phố Hà Nội cũng đủ làm du khách chùng bước. Hà Nội nổi tiếng với những con đường rợp bóng cây xanh. Một cái tên không còn xa lạ đối với người Hà Nội, chốn bình yên giữa lòng thủ đô, phố Phan Đình Phùng. Kéo dài từ phố Mai Xuân Thưởng đến phố Hàng Cót, Phan Đình Phùng là một trong những phố cổ lâu đời ở Hà Nội với rất nhiều công trình kiến trúc đã có từ thời Pháp thuộc. Phố dài chừng 1,5km, là một đoạn cũ của sông Tô Lịch, được biết đến với tên gọi đại lộ Carnot trước Cách mạng Tháng Tám. Sau này, phố được đổi tên Phan Đình Phùng, là một trong những tuyến phố rộng nhất nhì Hà Nội.


Phố Phan Đình Phùng có những vỉa hè thênh thang, hai bên là những hàng sấu cổ thụ thẳng tắp chạy dài đến tận cuối phố. Chiều dạo bộ qua đây, ngước mắt lên chỉ nhìn thấy những vòm lá xanh um che kín cả một góc trời. Từng chùm hoa sấu nhỏ li ti toả ngát hương đưa trong gió chiều. Hàng sấu già hàng trăm năm tuổi, thân sù sì nằm lặng im khoác lên mình dáng vẻ trầm tư. Những cây sấu bao mùa thay lá như chính Hà Nội đang đổi thay từng ngày. Chớm đông, sấu bắt đầu thay sắc lá với những gam vàng rực rỡ. Lá sấu rụng đầy gốc cây, phủ kín cả hai bên hè phố. Một khung cảnh lãng mạn đầy chất thơ không khỏi làm say lòng người. Chiều lang thang qua những con đường vắng, nghe tiếng lá xào xạo dưới chân hay dừng nơi góc phố ngắm hoa sấu rơi, du khách như chìm đắm vào một không gian yên bình thơ mộng.


Phố Phan Đình Phùng vẫn còn giữ được những ngôi nhà cổ hai bên đường, những công trình độc đáo. Nhắc đến kiến trúc, phải kể đến nhà thờ Cửa Bắc. Đây là công trình mang đậm phong cách phương Tây với hệ thống mái vòm và tháp chuông được thiết kế theo kiểu nhà thờ Phục Hưng. Chiều chiều, tiếng chuông nhà thờ vang vọng như gợi nhắc chút hoài niệm xưa cũ. 


Những ai đã một lần đến Hà Nội đều lưu luyến trước vẻ đẹp hoài cổ nơi đây.